Sinh hoạt tư tưởng (phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 01 năm 2018) Nội dung “Chống thói ba hoa” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ tại kỳ họp thứ 6 của Hội đồng nhân dân Tỉnh khoá IX (có văn bản kèm theo).

I- CHỐNG THÓI BA HOA

1- Thói ba hoa là gì?

Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn.

Thói ba hoa từ đâu ra?

Vì chúng ta trước kia học chữ Hán, sau này học chữ Pháp, cho nên khi nói khi viết, hay dùng chữ Hán và theo cách Pháp. Thành thử dài dòng mà khó hiểu, khó nghe. Lại cũng vì chủ quan và hẹp hòi.

Thói ba hoa tỏ ra nhiều vẻ.

  1. a)Dài dòng, rỗng tuếch –Nhiều anh em hay viết dà Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài.

Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết.

Trong lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thời giờ đâu mà xem những bài dài quá.

Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài.

Thế những sách lý luận, hoặc cuốn sách này chẳng hạn, không phải dài sao?

Phải. Nó dài, nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch.

Tục ngữ nói: “Đo bò làm chuồng, đo người may áo”. Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống là chống nói dài, viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt.

Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng.

  1. b) Có thói “cầu kỳ”– Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được.

Họ cho thế là “mỹ thuật”. Kỳ thực, họ viết, họ vẽ, để họ xem thôi.

Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.

Nhiều người tưởng: mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được?

Tục ngữ nói “gẩy đờn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”.

Muốn làm bạn, phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau, không thành bạn. Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại.

  1. c) Khô khan, lúng túng– Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ “tích cực, tiêu cực, khách quan, chủquan”, và một xốc danh từ học thuộc lò Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật.

Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng.

Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực.

Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta.

Có nhiều người có bệnh “dùng chữ Hán”, những tiếng ta sẵn có không dùng mà dùng chữ Hán cho bằng được. Thí dụ: Ba tháng không nói ba tháng mà nói “tam cá nguyệt”. Xem xét, không nói xem xét mà nói “quan sát”, v.v..

Nhưng sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: Độc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói “đánh chơi”. Thế cũng là tếu.

Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu.

Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu.

Nhiều người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai.

  1. d) Báo cáo lông bông– Một làbáo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp.

Hai là trong báo cáo chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c, v.v.. Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối.

Sao gọi là vấn đề ? Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết.

Gặp mỗi vấn đề, đều phải kinh qua ba bước: đề nó ra, phân tách nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt), giải quyết nó.

Khi viết một bài hoặc khi diễn thuyết cho khỏi rỗng tuếch, cũng phải như thế.

đ) Lụp chụp cẩu thả – Những tệ kể trên, một phần vì thiếu kinh nghiệm, mà một phần vì tính lụp chụp, cẩu thả.

Một thí dụ rất rõ ràng: Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi, thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.

Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi.

Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy.

  1. e) Bệnh theo “sáo cũ”– Chẳng những viết, nói, có thói ba hoa, màhuấn luyện, khai hội cũng mắc chứng đó.

Mở lớp huấn luyện là một việc rất tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng: học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích.

Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay. Nhiều đồng chí ta không hiểu cái lẽ rất giản đơn đó. Cho nên họ đã đưa “thặng dư giá trị” nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân. Họ đã đưa “tân dân chủ chủ nghĩa” nhồi sọ các em nhi đồng. Họ đã đưa “biện chứng pháp” nhồi sọ công nhân đang học quốc ngữ.

Chỉ trong một cuộc khai hội ở địa phương, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều khuyết điểm.

  1. m chuẩn bị– Đảng viên đến chỗ khai hội rồi, màcũng chưa biết vì việc gì mà khai hội. Đến khi chủ tịch mời mọi người phát biểu ý kiến thì quần chúng ai có sẵn ý kiến mà phát biểu?
  2. Nói mênh mông– Thường thường đại biểu cấp trên đến khai hội với cấp dưới, trong lúc khai hội, chỉ một mình “ông” đại biểu, hay“bà” đại biểu nói, nói hàng hai, ba giờ đồng hồ. Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến!
  3. Không đúng giờ– Hẹn khai hội tám giờ thìchín, mười giờ mới đến. Làm mất thời giờ của những người khác. Họ không hiểu rằng: Giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng, nhất là trong lúc kháng chiến này.
  4. Giữ nếp cũ– Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng khư khư giữ theo nếp cũ:

– Tình hình thế giới.

– Tình hình Đông Dương.

– Báo cáo công tác.

– Thảo luận.

– Phê bình.

– Giải tán.

Hiểu biết tình hình thế giới và trong nước, cố nhiên là việc hay, việc cần. Nhưng khổ thay! Nếu có đại biểu cấp cao đến, thì ông ấy kéo hàng giờ nào kế hoạch Mácsan, nào xứ Paragoay, nào gì gì, mà bà con không hiểu chi hết! Nếu chỉ cán bộ cấp xã, thì biết đâu tình hình thế giới mà nói. Thế mà điểm thứ nhất cứ phải là “tình hình thế giới”.

Kết quả là việc thiết thực, việc đáng làm thì không bàn đến.

  1. g) Nói không ai hiểu– Đảng thường kêu gọi khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá. Khẩu hiệu đó rất đúng. Tiếc vìnhiều cán bộ và đảng viên, có “hoá” gì đâu! Vẫn cứ chứng cũ, nếp cũ đó. Thậm chí, miệng càng hô “đại chúng hoá”, mà trong lúc thực hành thì lại “tiểu chúng hoá”. Vì những lời các ông ấy nói, những bài các ông ấy viết, đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng.

Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng. Nhưng viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu.

Thí dụ: vừa rồi đây, đi đến đâu cũng thấy dán những khẩu hiệu:

“Chống cô độc”,

“Chống chủ quan”,

“Chống địa phương”.

Nhưng khi hỏi kỹ, thì hơn chín phần mười cán bộ cấp dưới không hiểu gì hết. Họ nói: cấp trên bảo dán cứ phải dán, chứ thật ra chúng tôi không hiểu. Thậm chí có người luôn miệng đọc là “chống quan địa phương”.

Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hoá ra lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó tự ai? Thế mà bảo “đại chúng hoá”, “dân tộc hoá” thì hoá cái gì?

Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích.

  1. h) Bệnh hay nói ch– Tiếng ta có thìkhông dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to.

Thí dụ: Pháp và Việt gian bắt buộc đồng bào đi biểu tình, mà một tờ báo nọ của đoàn thể viết là những “cuộc biểu tình tự động”. Dùng quân đội quét một vùng, tiếng Trung Quốc gọi là tảo đãng, mà một tờ báo của đoàn thể viết là tảo đảm”. Lại có tờ viết là tảo đảng”!

Tục ngữ nói: “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Cái bệnh nói chữ đó đã lây ra, đã làm hại đến quần chúng. Vì vậy, có người đã nói:

“Chúng tôi xin thông phong (xung phong).

“Các đồng chí phải luyến ái nhau” (thân ái nhau), v.v.. Trong một cuộc khai hội phụ nữ, có chị cán bộ nọ lên nói: “Thưa chị em, tôi xin bá cáo kinh nguyệt của tôi trong tháng này”.

Không, đó không phải là những chuyện cười, đó là những chuyện thật. Những chuyện thật đáng đau lòng, do bệnh hay nói chữ sinh ra hoặc do bệnh dốt sinh ra.

2- Cách chữa thói ba hoa

Trên đây đã kể qua những chứng ba hoa. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ đều phải ra sức sửa chữa bệnh đó. Nếu không, sẽ có hại to cho công việc của Đảng.

Sau đây là liều thuốc chữa thói ba hoa. Mọi người phải hiểu, phải nhớ, phải thực hành:

  1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách.

Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.

  1. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực vàdễ hiểu.
  2. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe”?
  3. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.
  4. Trước khi nói, phải nghĩcho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chóba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”.

Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.

Làm được như thế – đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế – thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm.

Tháng 10 năm 1947

Ký tên: X.Y.Z.

II- Ý NGHĨA CỦA TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC”

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm” việc là tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Đây là một tác phẩm có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thực tiễn sâu sắc. Mặc dù tác phẩm “Sửa đổi lối làm” việc không dài lắm nhưng đã bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên mà trung tâm là mối quan hệ giữa người với người. Người cán bộ, đảng viên được coi như là khâu trung tâm của các mối quan hệ ấy. Đảng viên, cán bộ là những chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Sửa đổi lối làm việc là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi cách lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo nguyên tắc dân làm chủ.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm” việc ra đời cách đây 70 năm nhưng những luận điểm nêu trong tác phẩm còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay, đặc biệt với quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đổi mới đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới.

*BÀI PHÁT BIỂU CỦA BÍ THƯ TỈNH UỶ

Kính thưa: Chủ toạ Kỳ họp,

Thưa: Quý vị đại biểu, các vị khách quý, cử tri và bà con nhân dân tỉnh nhà!

Vậy là, đã qua 5 kỳ họp Hội đồng nhân dân Tỉnh. Điều đó nhắc nhở rằng chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường của Nhiệm kỳ. Qua mỗi Kỳ họp, chúng ta đã trưởng thành hơn, bổ sung nhiều kinh nghiệm hơn trong hoạt động của Hội đồng nhân dân Tỉnh. Hoạt động chất vấn, giám sát đã thúc đẩy bộ máy hành chính năng động hơn, sâu sát hơn. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được đưa lên bàn nghị luận. Những quyết sách lớn của Tỉnh đã đi vào chiều sâu và thu được những kết quả ban đầu. Bên cạnh đó, còn nhiều mục tiêu, chỉ tiêu còn phải phấn đấu cao độ trong khoảng thời gian còn lại của Nhiệm kỳ. Tại Kỳ họp này, Tôi xin phát biểu tập trung về một vấn đề có tầm quan trọng sống còn trên con đường phát triển của tỉnh nhà. Đó là: “Chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”.

Thưa quý vị đại biểu,

Chúng ta đã triển khai tái cơ cấu nông nghiệp được khoảng 3 năm. Chúng ta đã phát hiện ra những điểm nghẽn, những trở lực, những khó khăn. Có những điểm nghẽn đã vượt qua được, có những nút thắt còn đang lúng túng tìm giải pháp. Chúng ta tự tin rằng, mình đã tìm đúng hướng, đi đúng đường và đã đạt được kết quả ban đầu. Những nội dung, mục tiêu của Đề án được tóm tắt trong 6 chữ: “Hợp tác, Liên kết, Thị trường, Giảm chi phí, Tăng chất lượng, Chế biến tinh”. Đối chiếu với những gì mà nông nghiệp cả nước gặp phải trong thời gian qua, như phải “giải cứu” nhiều loại nông sản, cho thấy, chúng ta đã tìm ra đúng giá trị cốt lõi từ những điều ấy. Tôi xin trao đổi để làm rõ hơn 6 chữ nêu trên.

Trong nhiều bảng báo cáo, nông sản của chúng ta luôn bị đánh giá có sức cạnh tranh kém, nhưng chưa có những lý giải thấu đáo, đầy đủ về nguyên nhân của tình trạng nêu trên. Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao. Nông sản cạnh tranh kém vì chất lượng không đồng đều, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, chúng ta phấn khởi khi một vài nông sản như xoài, nhãn, cam, quýt… đã xuất khẩu được, nhưng đồng thời cũng lo ngại khi đã có nhiều lô hàng bị từ chối vì không đáp ứng quy định của nhà nhập khẩu, vi phạm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm khác.

Việc tháo gỡ 2 nút thắt “chi phí cao” và “chất lượng kém” sẽ không thể làm được nếu người nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát thì sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng. Sản xuất riêng lẻ thì người sản xuất tự cạnh tranh với nhau, người này có thể triệt tiêu người kia. Cạnh tranh với nhau, người sản xuất muốn mua trước thì phải mua giá cao. Cạnh tranh với nhau, người sản xuất muốn bán trước thì phải bán giá thấp. Vậy là, thiệt cả 2 đầu mua và bán. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất có thể cắt giảm một công đoạn nào đó trong quy trình canh tác để giảm chi phí. Cạnh tranh lẫn nhau thì người nông dân có thể dùng những hoá chất độc hại để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn. Những điểm đó đều là “điểm liệt” trên thị trường, gây thiệt hại cho từng ngành hàng nông sản và cho chính người sản xuất. Nông nghiệp thiếu bền vững là ở chỗ đó!

Thưa quý vị đại biểu,

Những phân tích trên cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác. Hay nói cách khác, kinh tế hợp tác bao gồm tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) là cứu cánh duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và cả nền nông nghiệp. Rất tiếc vì nhiều lý do, cả khách quan từ người nông dân, đến chủ quan ngay từ trong bộ máy, kinh tế hợp tác của chúng ta chậm chuyển đổi, hoạt động không đúng bản chất. Chính vì vậy nhiều THT, HTX chưa thật sự là “bà đỡ” cho mục tiêu giảm chi phí và nâng cao chất lượng. Nguyên lý của kinh tế hợp tác là tận dụng sức mạnh khi “mua chung, bán chung”. Mua chung là mua sỉ, mua sỉ thì giá rẻ, mua được tận gốc tránh được hàng gian, giả, kém chất lượng. Bán chung thì nhờ vào sức mạnh số đông để đàm phán với mức giá tốt nhất.

Kinh tế hợp tác như hiện nay chưa đóng vai trò là một mắc xích gắn người sản xuất với thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp. Mỗi mùa vụ là có những hợp đồng liên kết đổ vỡ và thường doanh nghiệp là người dễ bị quy kết là nguyên nhân chủ yếu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận ứng tiền trước cho nông dân, nhưng sau khi thu hoạch thì chất lượng nông sản không đúng với cam kết, hoặc khi giá cả tăng lên thì người nông dân bán ra thị trường. Chúng ta phải công bằng cho cả người nông dân và cho cả doanh nghiệp. Liên kết không thành công dẫn đến hệ luỵ là có mùa thắng nhưng có vụ lại thua. Chúng ta phải giúp cho mối liên kết ngày càng bền vững hơn bằng cách tạo dựng lòng tin cho cả 2 chủ thể là doanh nghiệp và người sản xuất. Doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ sản xuất mà phải thông qua THT, HTX, với điều kiện những tổ chức này phải thật sự vì lợi ích của người nông dân, chứ không chỉ đại diện cho một nhóm lợi ích nào.

Thưa quý vị đại biểu,

HTX là chuyện cả thế giới đã làm hàng trăm năm nay. Sức mạnh của HTX đã được minh chứng ngay ở các quốc gia tiên tiến nhất. Chúng ta thì chậm chạp và hay biện minh rằng người nông dân thiếu tính hợp tác. Điều đó cũng có phần đúng, nhưng cái chính là chúng ta chưa thật sự hành động. Đây đó trong bộ máy vẫn chưa thẩm thấu hết lợi ích của kinh tế hợp tác. Nguyên nhân là trong một thời gian dài tư duy của chúng ta hầu như chỉ đơn thuần là “sản xuất nông nghiệp” –  Sản xuất thì lấy sản lượng là mục tiêu hàng đầu. Bước qua nền kinh tế thị trường nhưng chúng ta lại chậm thay đổi tư duy kinh tế tương ứng.

Tư duy “kinh tế nông nghiệp”, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu. Mà lợi nhuận là bài toán trừ giữa doanh thu và chi phí. Vậy, chi phí giảm được bao nhiêu thì đồng nghĩa lợi nhuận tăng bấy nhiêu. Không phủ nhận rằng, tăng năng suất để tăng sản lượng cũng góp phần tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, sản lượng lại phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Xu thế người tiêu dùng là ngày càng ăn ít, nhưng phải ngon, phải an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản phải có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc.

Kinh tế nông nghiệp là hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Chuỗi ngành hàng được bắt đầu từ giống, quy trình canh tác cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, phân phối… Chuỗi ngành hàng tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn, khắc phục tình trạng bán nông sản thô nhiều rủi ro, giá trị thấp. Lại một lần nữa, những khâu trong chuỗi như vậy chỉ có được khi có HTX đủ mạnh và có sự liên kết với doanh nghiệp. HTX An Phong – Mỹ Hoà giảm chi phí sản xuất nhờ thay đổi quy trình canh tác; HTX Tân Bình triển khai mở rộng diện tích trồng lúa hướng đến hữu cơ; THT sản xuất quýt sạch Vĩnh Thới liên kết với Vineco… Đó là những mô hình cần được nhân rộng.

HTX sản xuất nông sản an toàn An Hoà, các HTX nông nghiệp Mỹ An, Phú Điền vừa mới được thành lập theo đúng Luật HTX năm 2012 là tín hiệu đáng vui. Quá trình tuyên truyền, vận động được tư vấn đầy đủ, bài bản. Phương án sản xuất kinh doanh của HTX bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo phúc lợi cho các thành viên và góp phần hỗ trợ cộng đồng. Phương án được bàn bạc dân chủ, nhiều vòng, là ý chí của tất cả các thành viên. HTX Nông sản an toàn An Hoà còn có sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra. Vậy là, trong HTX đã vừa mang tính “hợp tác, liên kết”, vừa là một chuỗi ngành hàng thu nhỏ. Tất nhiên,”vạn sự khởi đầu nan”, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tiếp theo. Nói chung là còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta có thêm niềm tin và các địa phương cần nghiên cứu nhân rộng.

Thưa quý vị đại biểu,

Nền nông nghiệp chúng ta không chỉ rủi ro khi không đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, mà còn bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước. Theo khảo sát của ngành chức năng, đất đai đã có hướng suy giảm chất dinh dưỡng, dẫn đến những vụ mùa gần đây năng suất lúa, cây ăn trái có biểu hiện sụt giảm dần. Hệ quả là nông dân phải sử dụng nhiều phân thuốc. Tình trạng này lại dẫn đến dịch bệnh nhiều hơn, và lại phải tiếp tục lạm dụng phân thuốc nhiều hơn. Cái vòng lẩn quẩn đó làm tăng chi phí sản xuất và dẫn đến nhiều hệ luỵ khác. Quýt Lai Vung bị chết nhiều trong mùa vụ vừa qua, hoặc tình trạng quýt bị chai đầu múi, xoài mau hư khi vận chuyển đi xa phải chăng có nguyên nhân lạm dụng phân thuốc bảo vệ thực vật.

Kế hoạch hành động nông nghiệp tỉnh nhà thích ứng với biến đổi khí hậu cần là và phải là nhiệm vụ cấp bách trước khi chúng ta phải trả giá. Giảm diện tích đất trồng lúa, cắt bớt lúa 3 vụ để đan xen các loại cây trồng, vật nuôi khác ít sử dụng nước phải được nhân rộng phù hợp. Những mô hình lúa – màu, lúa – cá, lúa – tôm, lúa – sen, chuyển đổi diện tích đất lúa thành đất vườn trong thực tế đang chứng minh sự nhanh nhạy của người nông dân. Tuy nhiên, đã xuất hiện những xung đột giữa những người nông dân trên từng cánh đồng. Ngành Nông nghiệp cần tiếp cận với những thay đổi hàng ngày. Chậm chạp là chuyển từ rủi ro ở ngành hàng này sang rủi ro ở ngành hàng khác, thậm chí gây bất ổn giữa những người nông dân. Cam, quýt và một số trái cây khác giảm giá mạnh trong thời gian gần đây cho thấy, việc chuyển đổi đất lúa thành vườn cây ăn trái đã có rủi ro do mất cân bằng cung – cầu của thị trường. Tình trạng mở rộng nhanh diện tích trồng lúa nếp không phải chúng ta không dự báo trước rủi ro và quả thật đã giảm giá trong vụ vừa rồi. Đó là những lý do mà Đề án tái cơ cấu đã đặt ra: Phải lấy “thị trường” để quyết định sản xuất “cái gì?”, “bao nhiêu?” và “như thế nào?”.

Thưa quý vị đại biểu,

Những điều Tôi đã trình bày ở trên không phải chúng ta không biết. Tuy nhiên, lối nghĩ cũ đã bám dính vào người sản xuất, doanh nghiệp đến bộ máy chuyên ngành. Nó cũng giống như đã dùng quen một món ăn với khẩu vị cũ, bây giờ thay đổi sẽ khó khăn. Nó đòi hỏi phải chứng minh món ăn mới ngon hơn và có lợi cho sức khoẻ hơn món ăn cũ. Sức khoẻ đó chính là tính bền vững của nền nông nghiệp, là thu nhập được tăng lên cho người nông dân. Tôi cũng từng chia sẻ rằng, không thể vụ trước vụ sau là mọi việc “đâu vào đó”, nhưng chúng ta cũng không thể để mọi việc “đâu vẫn còn đó”. Muốn vậy, cả hệ thống phải cùng thay đổi nhận thức và hành động, thay đổi để kích hoạt người sản xuất, doanh nghiệp thay đổi.

Chúng ta khoan bàn về việc phải đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất; khoan trách cứ nhau sao không hỗ trợ vốn cho hợp tác xã; khoan bàn chuyện quảng bá tìm đầu ra cho nông sản; khoan nói về lợi ích của công nghệ bảo quản, chế biến nông sản. Những chuyện đó là cần thiết, là việc phải làm. Nhưng một lần nữa, Tôi muốn nhấn mạnh lại 2 nút thắt “chi phí cao”“chất lượng kém” của nông nghiệp tỉnh nhà. Đó là hệ quả của cách sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, từ trồng trọt đến chăn nuôi.

Phải có kinh tế hợp tác đủ mạnh, hoạt động vì lợi ích của người nông dân, mới có thể tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Muốn vậy, một lần nữa, Tôi kêu gọi cả hệ thống, trong đó, có các vị đại biểu hãy góp phần tuyên truyền đúng và sâu về quyết sách phát triển kinh tế hợp tác. Giám sát, chất vấn tại mỗi Kỳ họp, suy cho cùng, cũng để đạt được sự đồng thuận xã hội, trước hết là đồng thuận về phát triển kinh tế hợp tác.

Thưa quý vị đại biểu,

Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nông thôn mới phải là “nông thôn hài hoà, người dân thay đổi, biết tự lực, hợp tác với nhau trong cuộc sống” – Đây là điều kiện cần để tiến tới hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là tiền đề phát triển kinh tế hợp tác. Và ngược lại, khi có nhiều THT, HTX đủ mạnh chính là điều kiện để tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Như vậy, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phải “từ người nông dân, do người nông dân, vì người nông dân”. Những điều đó không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở các nghị quyết, kế hoạch, khẩu hiệu. Cả hệ thống phải đến từng cộng đồng dân cư, đến tận cánh đồng, thửa ruộng, mảnh vườn, ao cá, tận dụng từng buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân… để tuyên truyền, vận động, chia sẻ với bà con.

Từ trước đến nay, chúng ta hay nghĩ rằng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp. Điều đó chỉ đúng một phần. Nhưng cần phải xem đây là cuộc cải tổ ý thức, là cuộc cách mạng trong nông nghiệp và trong người nông dân. Đã là cuộc cách mạng thì phải tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống, đồng lòng trong cả hệ thống, là phải kiên trì, bền bỉ. Đã là cuộc cách mạng thì tất cả phải hướng đến cùng một mục tiêu, bắt đầu từ việc hướng người nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng nông sản. Không có sự lựa chọn nào khác. Các cấp uỷ, chính quyền các cấp phải xem phát triển kinh tế hợp tác, sản xuất an toàn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là sự sống còn, là nút thắt đầu tiên phải được mở. Chủ trương này phải được sinh hoạt trong các cuộc họp chi bộ, chi hội, tổ hội, “cán bộ, đảng viên phải đi trước để kéo làng nước đi sau”, phải bổ sung vào tiêu chí bình xét gia đình văn hoá, xã / phường, khóm / ấp văn hoá.

Thưa quý vị đại biểu,

Tất nhiên, mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân không chỉ bàn về nông nghiệp vì nông nghiệp chỉ là một trong nhiều vấn đề kinh tế – xã hội. Còn biết bao nhiêu việc cần bàn, cần mổ xẻ, cần quyết định. Nhưng Đồng Tháp của chúng ta là tỉnh nông nghiệp, do đó, chúng ta cần đặt thứ tự ưu tiên để tìm lời giải cho bài toán nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nếu tiếp tục biện minh hoặc than phiền thì chúng ta sẽ chẳng thay đổi được gì cả! Làm lãnh đạo một địa phương, điều hành một ngành chuyên môn đừng chỉ biết cộng những con số về diện tích, sản lượng của bà con lại và xem đó là thành tích của mình. Phải biết tiên liệu mọi rủi ro sẽ đối mặt để có giải pháp phù hợp và đem điều đó tuyên truyền, vận động bà con mình cùng phối hợp hành động, chủ động hành động, trước khi phải “kêu cứu” và chờ “giải cứu”.

Thưa cử tri và bà con nhân dân tỉnh nhà,

Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, sinh hoạt trong các hội quán, Tôi thường chia sẻ rằng, chúng ta cần “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Như đã phân tích ở trên, “chi phí cao” và “chất lượng kém” là nút thắt mà chính bà con là người phải tháo ra để đảo ngược lại thành “chi phí thấp” và “chất lượng cao”. Nhiều nơi, nhiều bà con nơi khác đã làm và làm được, không lý gì mình không làm và không làm được. Một khi bà con sẵn lòng tháo nút thắt, cả hệ thống sẽ cùng đồng hành tháo gỡ với bà con.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khoẻ quý vị đại biểu, các vị khách quý!