Giải bài toán giáo viên và cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Chủ nhật – 21/01/2018 15:33
Ngày 19/01/2018, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới để lấy ý kiến đóng góp trên quy mô toàn quốc. Dự kiến, tháng 4/2018, Bộ sẽ chính thức ban hành CTGDPT mới để triển khai các công tác chuẩn bị đưa vào thực hiện từ năm học 2019-2020. Để thực hiện thành công CTGDPT mới, một trong những nhân tố quan trọng đó chính là đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất (CSVC) để đảm bảo triển khai chương trình.
1. Thực trạng từ tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1.1. Giáo viên

Theo Bộ GDĐT, để triển khai CTGDPT mới, nhu cầu về GV ở các cấp để thực hiện CTGDPT mới về cơ bản không có nhiều biến động so với số lượng GV hiện có.

a) Ở cấp tiểu học (TH), dự kiến bình quân mỗi năm có 2% GV nghỉ hưu (khoảng 7.940 người). Số GV được tuyển mới bổ sung thay thế những người nghỉ hưu hàng năm sẽ khoảng 3.970 người. Ngoài ra, mỗi năm tuyển mới khoảng 3.900 giáo viên do tăng quy mô học sinh (HS). Như vậy, mỗi năm sẽ tuyển mới khoảng hơn 7.000 GV.

b) Ở cấp trung học cơ sở (THCS), dự kiến bình quân 1 năm có 2% GV nghỉ hưu (khoảng 6.219 người).Số GV được tuyển mới bổ sung thay thế những người nghỉ hưu hàng năm sẽ khoảng 3.110 người. Ngoài ra, mỗi năm tuyển mới khoảng 1.250 giáo viên do tăng quy mô HS. Như vậy, mỗi năm sẽ tuyển mới khoảng hơn 4.300 GV.

c) Ở cấp trung học phổ thông (THCS), dự kiến bình quân 1 năm có 2% GV nghỉ hưu (khoảng 3.014 người).Số GV được tuyển mới bổ sung thay thế những người nghỉ hưu hàng năm sẽ khoảng 1.507 người. Ngoài ra, mỗi năm tuyển mới khoảng 2.250 giáo viên do tăng quy mô HS. Như vậy, mỗi năm sẽ tuyển mới khoảng hơn 3.700 GV.

1.2. Cơ sở vật chất

Hiện nay, cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường TH, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT với 14.883.647 HS, 476.924 lớp học và 419.903 phòng học. Tuy nhiên, số phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài.

Cả nước có 419.903 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1% (tiểu học 68,7%, trung học cơ sở 85,7%, trung học phổ thông 93,9%). Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,88 (TH 0,89; THCS 0,86; THPT 0,88). Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,68 (TH 0,61; THCS 0,74; THPT 0,83).

Về phòng học bộ môn, cấp THCS có 30.817 phòng/10.697 trường/146.910 lớp, tương đương tỷ lệ 2,88 phòng/trường (số phòng đáp ứng quy định là 20.573 phòng, đạt tỷ lệ 66,8%). Cấp THPT có 11.750 phòng/2.349 trường/60.084 lớp, tương đương tỷ lệ 5 phòng/trường (số phòng đáp ứng quy định là 8.555 phòng, đạt tỷ lệ 72,8%). Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.

Số bàn ghế 2 chỗ đạt khoảng 63% nhu cầu tối thiểu (TH: 65%; THCS: 65%; THPT: 60%). Về thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, trung bình ở cấp TH 2,1 trường có 01 phòng máy, cấp THCS 1,3 trường có 01 phòng máy và cấp THPT mỗi trường có 1,9 phòng máy. Để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy tối thiểu, tại cấp tiểu học và THCS, mỗi trường cần ít nhất 1 phòng máy và đối với cấp THPT, mỗi trường cần ít nhất 2 phòng máy. Về thiết bị dạy học ngoại ngữ, trung bình tại cấp TH có gần 1 bộ/trường, cấp THCS có khoảng 4 bộ/trường và cấp THPT có khoảng 14 bộ/trường. Các thiết bị này chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của GV, các hệ thống thiết bị dạy ngoại ngữ chuyên dùng còn ít.

2. Phương án giải quyết
2.1. Giáo viên

a) Ở cấp TH,  các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng GV cần tuyển theo nhu cầu từng năm, ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu, hạn chế hoặc không tuyển giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, vì các môn học này GV cấp TH đã được đào tạo trong trường sư phạm để dạy. Bộ GDĐT dự kiến từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, mỗi năm học sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 GV tiếng Anh và khoảng 2.000 GV Tin học. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát để tuyển dụng số giáo viên tiếng Anh, Tin học còn trong diện hợp đồng lao động (iện cả nước thiếu khoảng 5.616 giáo viên tiếng Anh, 5.607 giáo viên Tin học ở cấp TH).

b) Ở cấp THCS, tùy điều kiện thực tế, các địa phương có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết tình trạng thừa GV. So với số GV đang thừa là 9.246 người (tính đến thời điểm tháng 11/2017), các địa phương cần tính toán cụ thể số lượng GV cần tuyển mới, trong đó ưu tiên tuyển GV cho những môn học còn thiếu. Đối với các địa phương đang thừa, trong khoảng 3 năm học tới, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừaGV. Đồng thời, rà soát, sắp xếp, điều tiết GV hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng GV và cơ cấu môn học cho từng trường THCS theo số lượng hiện có. Đối với GV dạy môn Tin học trong chương trình mới (theo chương trình hiện hành là môn học tự chọn) đã được bố trí cơ bản là đủ cho các trường THCS. Tuy nhiên, các địa phương cần rà soát để xác định giáo viên đã được tuyển dụng (biên chế), giáo viên hợp đồng để có phương án tuyển dụng ngay từ năm học 2018-2019.

c) Ở cấp THPT, trên cơ sở số giáo viên thừa khoảng 8.874 GV khi thực hiện chương trình mới, các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới từ nay đến năm 2025 để vừa giải quyết bài toán thừa và nhu cầu tuyển bổ sung. Trong đó để ưu tiên tuyển GV dạy môn Nghệ thuật 5.400 người (Âm nhạc 2.700, Mỹ thuật 2.700) để bắt đầu dạy từ năm 2021.

d) Đối với việc đào tạo mới GV, Bộ GDĐT dự kiến từ nay đến năm 2024 sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn cùng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất cả nước, trong đó có chương trình đào tạo GV dạy các môn học mới. Bộ cũng giáo các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông và Chương trình ETEP tổ chức các tập huấn về đổi mới chương trình, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, SGK; phối hợp với địa phương xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung về phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng.

2.2. Cơ sở vật chất

a) Chương trình GDPT mới vừa là văn bản quy định nhưng cũng là cam kết của Nhà nước về chất lượng giáo dục phổ thông. Nhà nước ở đây không chỉ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GDĐT mà còn là chính quyền các địa phương. Để quyết định cải thiện điều kiện học tập, cơ sở vật chất các trường thì cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi GDĐT là quốc sách hàng đầu và phải đầu tư. Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiến hành tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng CSVC, thiết bị dạy học đến từng cơ sở giáo dục và theo các cấp học. Trên cơ sở rà soát thực trạng, các địa phương xác định nhu cầu đầu tư CSVC, thiết bị dạy học: Kiên cố hóa; xây dựng, mua sắm bổ sung các hạng mục; cải tạo, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Từ đó, xác định các mục tiêu, hạng mục ưu tiên thực hiện, khối lượng các loại trang thiết bị mua sắm theo kế hoạch. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của các giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 và theo từng nguồn vốn: Ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ và huy động khác; dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư, cơ chế và chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục.

b) Các địa phương rà soát thực trạng mạng lưới các điểm trường lẻ trước khi thực hiện dồn ghép theo hướng phù hợp với thực tế; được sự đồng thận cao của nhân dân địa phương và không làm cho việc dồn ghép trở thành gánh nặng CSVC cho điạ phương; không làm cho sĩ số các lớp ở điểm trường chính sẽ tăng cao, gây quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục toàn diện.

c) Trong chuẩn bị CSVC để thực hiện CTGDPT mới, việc xạy dựng mới, cải tạo và bảo trì CSVC trường học phải đảm bảo an toàn cho HS. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.

d) Bộ GDĐT đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt “Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông”  nhằm hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số triển khai CTGDPT mới. Theo đề án này, những trọng tâm ưu tiên đầu tư bao gồm: Xây dựng thay thế các phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp nặng cho cấp học mầm non và tiểu học, trong đó ưu tiên các lớp đầu cấp của tiểu học, bổ sung các phòng học còn thiếu trong đó ưu tiên cho cấp tiểu học, xây dựng bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng phục vụ học tập.Bên cạnh đó, đề án còn ưu tiên đầu tư mua sắm thiết bị dạy học các cấp theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Việc đầu tư mua sắm thiết bị sẽ do địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ.

Tác giả bài viết: Bùi Quý Khiêm

Nguồn tin: Tổng hợp